Ký sự du lịch Cu Ba
Sông Almendares chảy qua trung tâm thành phố Havana |
Tại đây, trưởng đoàn đưa vi-sa nhập cảnh cùng vé khứ hồi
Miami-Havana và dặn đi dặn lại là cẩn thận giữ hộ chiếu chung với những giấy tờ
này, nếu mất sẽ rất rắc rối để rời Cuba vì hai nước không có quan hệ, muốn liên
lạc với đại diện ngoại giao Mỹ phải qua sứ quán Thụy Điển.
Công dân Việt Nam, nước anh em xã hội chủ nghĩa, hay công
dân Canada, Anh quốc, Pháp quốc, Nhật Bản có thể dễ dàng du lịch Cuba, đất nước
nổi tiếng với xì-gà và rượu rum.
Nhưng công dân Mỹ thì không được. Từ nửa thế kỷ qua Hoa Kỳ cắt
đứt quan hệ và có chính sách cấm vận Cuba nên là điều khó khăn cho người Mỹ muốn
qua thăm đất nước sát ngay cửa ngõ, chỉ cách Florida chưa đến 100 dặm. Muốn đi
Cuba, công dân Mỹ phải có giấy phép từ Bộ Ngân khố.
Hai tháng trước, ca sĩ Beyoncé và chồng qua Cuba để kỷ niệm
5 năm ngày cưới. Họ đi chơi phố cổ Havana, phóng viên thấy và đưa tin về Mỹ làm
ồn ào dư luận.
Vài dân cử Quốc hội từ bang Florida với quan điểm chống
Fidel Castro đã đặt vấn đề cô ca sĩ đến Cuba có vi phạm luật cấm vận hay không.
Những điều tra cho thấy cô không phạm luật Hoa Kỳ vì Beyoncé đến Havana trong một
chương trình trao đổi giáo dục.
Chính sách hiện nay là nếu ai sang Cuba không xin phép giới
chức trách Mỹ, khi trở về có thể bị xử phạt tài chính hay tù.
Chuyến đi của chúng tôi có mục đích học ngôn ngữ và văn hoá,
nằm trong giáo trình của Berkeley City College. Tất cả 30 người, đa số từ miền
bắc California, gồm bác sĩ, y tá, giáo viên, kỹ sư, một số sinh viên. Chuyến đi
vừa để học hỏi, vừa làm từ thiện.
Trước khi nhận vi-sa, mỗi người phải ký vài giấy tờ như bảo
hiểm y tế, giấy chứng nhận cho phép đi Cuba.
Còn Nghèo
Ở Havana cũng có nhiều người bán hàng rong |
Tại quầy lấy thẻ lên tầu, hầu hết chúng tôi chỉ có va-li
xách tay và một túi nhỏ đeo bên mình nên không phải gửi hành lý. Cùng xếp hàng
có nhiều người Cuba về thăm quê hương, tôi nghe họ nói tiếng Tây Ban Nha, và ai
cũng gửi những kiện hành lý.
Như nhiều người Việt, người Mỹ gốc Cuba về thăm thân nhân
mang theo nhiều thứ.
Khác ở đây là những thùng hàng và cả va-li lớn nhỏ gửi theo
máy bay đều được quấn ni-lông nhiều lớp. Hỏi ra mới biết làm thế để tránh bị
moi móc mất đồ.
Sau khi cách mạng thành công, Fidel Castro lên nắm quyền năm
1959, nhiều người Cuba bỏ nước ra đi coi như không bao giờ gặp lại quê hương.
Cho đến năm 2009 chính sách của Mỹ mới có thay đổi cho họ được
về thăm thân nhân. Tuy nhiên, người Cuba bị hạn chế với số tiền đem theo là 179
Mỹ kim chi tiêu cho mỗi ngày ở đó.
Còn thuyền nhân Việt Nam không phải trông ngóng ngày về lâu
như thế. Chưa đầy hai thập niên sau biến cố 30-4-1975 nhiều người Việt đã có cơ
hội trở về, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nối kết bang giao.
Trong khi người Cuba đã phải chờ cả nửa thế kỷ. Tôi nghĩ địa
chính trị là căn bản cho sự khác biệt trong chính sách của Mỹ.
Lúc ở sân bay, đọc bảng đi đến và thấy trong ngày có ba chuyến
Miami-Havana. Điều ngạc nhiên là dù Mỹ còn cấm vận, American Airline đã mở tuyến
bay vào Havana.
Chuyến bay vào Cuba của chúng tôi là một phi cơ bao thuê của
hãng World Atlantic, với gần 200 hành khách.
Cất cánh lúc 9 giờ sáng. Nửa giờ sau đất nước Cuba hiện ra.
Bên dưới là mầu xanh đồng cỏ, thấp thoáng bóng dừa cao, khu dân ở. Xa lộ chỉ
vài xe ô-tô chạy, trên đường không thấy xe máy hay xe đạp.
Phi cơ đáp xuống sân bay José Martí. Duy nhất một máy bay của
hãng American Airline đang đậu, là chuyến khởi hành trước chúng tôi một giờ.
Ga quốc tế trông bên ngoài rất nhỏ. Trước khi đến đây tôi mường
tượng đất nước này phát triển như Mexico, hay ít ra cũng không thua Việt Nam vì
Cuba tuy không quan hệ với Hoa Kỳ nhưng có giao thương với nhiều nước khác.
Chạm mặt, tôi cảm nhận Cuba nghèo hơn mình nghĩ.
Rời máy bay. Trời gió nhưng hừng hực nóng. Vào trong xếp
hàng chờ kiểm tra hộ chiếu, vi-sa.
Tôi chưa thấy cảng quốc tế nào nhỏ như ở đây. Nhỏ hơn Nội
Bài hai mươi năm về trước. Nhỏ hơn cả sân bay Lomé, Togo mà tôi đặt chân đến
cách đây ba mươi năm.
Thủ tục di trú rất chậm. Du khách được chụp hình trước khi
đóng dấu nhập cảnh. Mỗi người tốn ít nhất 5 phút. Đứng trước tôi là một toán du
khảo do tạp chí National Geographic tổ chức.
Chủ nghĩa xã hội
Ít thấy có biển hiệu quảng cáo thương mại mà chỉ có khẩu hiệu cách mạng ở Cuba |
Sau khi xong các giấy tờ, vì không gửi hành lý nên tôi đến
ngay quầy đổi tiền. Bảng giá ghi 1 Mỹ kim đổi được 97 xu, tức 97 CUC, là đơn vị
tiền dành riêng cho du khách. Người dân Cuba dùng loại tiền khác.
Tôi đổi 100 mỹ-kim, sau khi trừ đi chi phí hoán chuyển, được
87 CUC.
Khi mọi người trong đoàn đã tụ họp đông đủ, chúng tôi rời sảnh
phi cảng. Vừa bước ra ngoài, một khung cảnh quen thuộc như ở sân bay Tân Sơn Nhứt
mỗi khi tôi về. Rất đông người Cuba đứng đón thân nhân của họ.
Bãi đậu có nhiều xe Mỹ thời thập niên 1950. Nhìn xa xa,
không thấy bảng quảng cáo sản phẩm thương mại mà chỉ có hình Ché, hình của
Cuban5 là những người gốc Cuba đang bị tù tại Hoa Kỳ vì tội gián điệp. Bên cạnh
là những bảng khẩu hiệu.
Xe buýt đón chúng tôi là sản phẩm của hãng Yutong, Trung Quốc.
Đây là một ngạc nhiên nữa vì tôi không biết Trung Quốc xuất khẩu xe hơi, chứ
chưa nói đến xe buýt lớn. Xe có máy lạnh, nhà tiểu giống như các xe chở du
khách tham quan ở Mỹ.
Đường vào thủ đô và ngay trong Havana có nhiều cây xanh. Hoa
phượng đang nở rực. Nhiều nhà đã cũ, nước vôi bạc mầu, xuống cấp. Nhiều công
trình xây dựng bỏ dở.
Hai bên đường không đâu có quảng cáo thương mại mà chỉ khẩu
hiệu đề cao cách mạng, trên tường, trên nóc nhà cao, ở quảng trường. Tôi biết
ngay mình đang ở đất nước xã hội chủ nghĩa.
Todo por la Revolución – Tất cả cho Cách mạng
Socialiado o Muerte – Xã hội Chủ nghĩa hay là chết
Patria o Muerte – Tổ quốc hay là chết
Xe chạy qua Quảng trường Cách Mạng. Có một tháp rất cao. Có
tượng José Martí, anh hùng đánh đuổi Tây Ban Nha để giành độc lập cho Cuba. Có
hình Ché, anh hùng chống Mỹ, rất lớn trên mặt tiền của một nhà cao tầng.
Người hướng dẫn cho biết chung quanh quảng trường là những
cơ quan chính phủ và hí viện quốc gia.
Đường phố không có xe máy hay xe đạp. Chỉ xe buýt, nhiều
ô-tô cũ của Mỹ để lại từ thập niên 1950 vẫn bon bon chạy. Cũng có Lada, Hyundai
mới hơn.
Thỉnh thoảng thấy xe công nông, xe máy kéo thùng chở người
bên cạnh kiểu Liên-Xô. Có loại xe tắc xi quả dừa, coco taxi, trông rất ngộ.
Cuba đúng là đất nước của xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo Việt
Nam từng đến đây nói chuyện hai nước anh em thay nhau thức ngủ, canh giữ hoà
bình thế giới.
Thực ra, Việt Nam bây giờ là xứ sở của “kinh tế thị trường,
định hướng xã hội chủ nghĩa” vì ngoài đường phố tràn ngập quảng cáo thương mại
hòa trộn với khẩu hiệu.
Một tuần ở Cuba, ngoài học hỏi, tôi có những khám phá riêng
cho mình: phố Tàu, quán Hanoi, tượng ông Hồ Chí Minh, húng bạc hà, phượng đỏ.
Sẽ kể cho bạn nghe sau.
Bạn có thể độc thêm thông tin về du lịch Hà Nội và Việt Nam
tại đây!
Hiện nay công ty du lịch Hà Nội đang tổ chức rất nhiều tour
siêu khuyến mại đặc biệt như: tham quanSapa, tham quan Ha Giang, tron goi Cat Ba, tham quan Ninh Binh, tham quan MocChau, tham quan Cat Ba, trong goi Ha Long…..
(Bài viết ký sự
du lịch CuBa do Bùi Văn Phú thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà
giáo và cây bút tự do)